fbpx

Du lịch tết

Du lịch tết miền tây - Tết cổ truyền ở Miền Tây Nam Bộ

Năm hết tết đến, người dân cả nước hân hoan chào đón năm mới với nhiều mong ước và hy vọng vào một năm an khang thịnh vượng, hạnh phúc đầy nhà. Tết thì chung, nhưng phong tục ngày tết mỗi vùng miền lại khác. Dù xã hội có phát triển, cuộc sống có hiện đại đến mấy thì phong tục đón tết truyền thống không bao giờ thay đổi, đặc biệt là ở miền Tây Nam Bộ.

Biểu tượng loài hoa cho ngày tết:

Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết.

Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương.

Mai vàng nở như em về đúng hẹn.

Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường.

Trong bộ tranh Tứ Thời thường được các gia đình ưa chuộng treo để trang trí nhà cửa, thì hình ảnh Hoa Mai được xếp đầu tiên rồi mới đến Lan – Cúc –Trúc. Năm cánh hoa mai là hình ảnh của 5 vi thần may mắn, của ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Mai cũng như đào biểu tượng cho sự trường thọ. Người ta diễn tả đặc trưng này bằng những đóa hoa rực rỡ trên một thân cây trụi lá và gân guốc; vững chải như sức công phá của thời gian chẳng làm gì được nó. Trong truyền thuyết dân gian, hoa mai liên quan đến hình ảnh của một cô gái xinh đẹp, hết lòng thương yêu cha mẹ, gia đình và làng xóm. Với tài trí của mình, cô gái nhỏ nhắn đã hy sinh sau khi giao đấu, diệt trừ yêu quái để cứu dân. Không ai biết cô đã chết, vì hàng năm vào chiều 29 tết, nàng quay lại với chiếc áo vàng mẹ nhuộm cho trước lúc ra đi, cùng ăn tết với gia đình, cho đến lúc cúng đưa ông bà, mới chịu ra đi. Mãi cho đến khi cha mẹ mất, người ta không thấy cô gái áo vàng trở lại nữa; vào những ngày cuối năm trong khu vườn quen thuộc nơi cô ở, xuất hiện một con chim lông vàng óng ả cất tiếng hót líu lo. Xóm làng thương nhớ và tri ân cô bằng cách lập một miếu thờ, hàng ngày hương khói. Từ lúc ấy, trước ngôi miếu mọc lên một loại cây lá xanh um, nhưng cứ vào những ngày giáp tết, lá lại rụng trơ cành và như một phép lạ, toàn thân xuất hiện những nụ bông vàng năm cánh rực rỡ.

Cây mai từ đó được người dân nhân giống và trồng trong nhà mình, như một cách tưởng nhớ đến cô gái, cũng như răn đe loài quỷ dữ sợ oai phong của cô mà không dám quấy động đời sống yên lành của mọi người. Ngoài ra phía trước nhà của mọi người dân Nam Bộ ngày tết lúc nào cũng có vài chậu bông thọ tượng chưng cho tuổi thọ, sức khỏe, bông thọ được để lên bàn cúng vào các ngày như cúng ông táo, rước ông bà, ra mắt ông bà…

Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”. Mâm ngũ quả thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho “Cầu vừa (dừa) đủ sung”. Nếu không tìm được sung thì có thể chưng xoài hoặc thơm. Gần đây có phát hiện thêm qủa Dư cũng được trang trí trên mâm ngũ quả cầu mong được dư dã, sung túc. Ngoài ra trên bàn thờ nhà nào cũng đều có cặp dưa hấu đỏ hoặc vàng. Dưa  hấu lựa chưng tết là dưa hấu quả tròn, đẹp , hai quả phải cân xứng nhau.

Mâm cỗ Tết của miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu, dưa cải trong mấy ngày tết. Trong suy nghĩ của người phương Nam, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác. Đặc trưng của Nam bộ đó là món bánh tét lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ vì chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm mà không nơi nào có được. Dù giàu hay nghèo, người miền Nam cũng không thể thiếu những món ăn ngày tết truyền thống từ lâu đời.

Món thịt kho tàu là thịt ba rọi (ba chỉ) thái to khoảng trên bốn phân nấu chung với một trái dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được to miếng. Thịt hầm từ bắp đùi hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc. Có thể thêm vào hột vịt luộc gọi là thịt kho hột vịt. Còn có món khổ qua dồn thịt heo rồi hầm như hầm thịt. Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai, sáng ngày mồng ba sẽ cũng và ăn món khác phải như gà, cá.

Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”. Cho đến khi hết Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên lun nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa,  bánh tráng con gà trống luộc.
Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Đêm 29-30 là lúc vui nhất, mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… rất huyên náo.

Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.
lễ chùa dịp tết

Đi lễ chùa dịp tết

Những điều nên và không nên làm trong ngày tết đối với người miền tây Nam Bộ.

Nên: Trước ngày 29 tết tất cả các lu, hủ chứa gạo, chứa nước, muối phải được đổ đầy để mong một năm đầy đủ. Nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Trong ngày đón giao thừa mọi người đều trang bị cho mình một bộ quần áo mới, tắm rửa gội đầu sạch sẽ, tiền để trong túi với hy vọng cả năm đều mới mẻ và tiền đầy túi.

Những điều cấm kỵ:

Xông đất : Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông đất ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Không quét nhà vào ngày mùng 1: Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nên vào ngày Tết không cần dọn dẹp nữa. Những ngày đầu năm, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa.

Không đổ rác ngày mùng 1: Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Truyện kể rằng, ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Nên người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng Một thì cũng hết tài lộc của gia đình.

Không cho lửa đầu năm: Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.

Không cho nước đầu năm: Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi ” Tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành

Không đi chúc tết sáng mùng 1: Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

Không làm đổ vỡ đồ dùng: Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.

Không mặc quần áo màu đen – trắng: Với người Việt Nam, màu đen – trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.

Không vay mượn đầu năm: Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.

Không xuất hành ngày mùng 5: Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.

Kiêng có tang vào ngày mùng 1: Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày, nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Những gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.

Kiêng nói điều xui: Ngày đầu năm mọi người chỉ nói những điều may mắn, vui vẻ cho cả một năm.

Kiêng treo tranh xui: Không treo những bức tranh như đánh ghen, đi kiện, treo những bức tranh tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, phát đạt.

Kiêng mua đồ xui: Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

Không tranh cãi, bất hòa: Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.

Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2: Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.

Kiêng mở tủ vào mùng 1: Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa: Việc đứng hay ngồi  trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

Giữa khung cảnh làng quê Nam bộ thanh bình, cả gia đình ngồi quây quần bên những chiếc hủ, khạp, đựng đầy gạo, thịt cùng làn khói bếp từ nồi bánh tét bốc lên mang theo cả tâm trạng nao nao với hình ảnh báo hiệu Tết đã về rất gần, làm ai nhìn thấy hình ảnh này cũng nhớ nhà, nhớ quê da diết.

Ba ngày tết vụt qua nhanh, mọi người lại tiếp tục công việc của mình. Một cuộc sống mới bắt đầu, hy vọng tràn về, ai nấy hân hoan chúc nhau thành công, sức khỏe, hạnh phúc. Nếu có dịp, hãy thử một lần về Miền Tây cùng người dân chất phác nơi đây đón một năm mới anh khang, hạnh phúc.

Tour du lịch tết giáp thìn 2024
Tour miền tây tết 2024

Tour Được Chọn Nhiều